SỬ VIỆT: THỐNG NHẤT THIÊN HẠ KHÓ HƠN LÊN TRỜI!

Táng Địa | | 4962

Tóm tắt Lịch sử

Bổ sung kiến thức cực mạnh

THỐNG NHẤT THIÊN HẠ KHÓ HƠN LÊN TRỜI!

(Phiên bản nội địa hóa 69%, phỏng dựng chút đỉnh về mũ mão)

Bên dưới là bản đồ nước ta những năm khói lửa nghi ngút ấy, nhìn sơ qua chúng ta có một nhận xét rằng: “Ôi cái nước loạn như tơ vò!”.

Nhưng mà không thể gọi là một nước, ít nhất phải có đến hai nước là Nam Hà – Bắc Hà, hay An Nam quốc – Quảng Nam quốc (theo cách gọi người nước ngoài). Mình sẽ điểm sơ qua từng thế lực một, ý chí, đặc điểm của họ (chỉ sơ qua thôi nếu chi tiết thì 100 trang kể chưa hết) để xem nhất thống thiên hạ có dễ dàng không nhé:

SỬ VIỆT: THỐNG NHẤT THIÊN HẠ KHÓ HƠN LÊN TRỜI!

 

1. BẮC HÀ NGÀN NĂM VĂN HIẾN

+ Trên có “vua Lê chúa Trịnh” dưới là “sĩ phu Bắc Hà” mà thiên hạ thường nhạo rằng “bọn thầy đồ nói khoác”. Câu nhạo kia là có cơ sở hết chứ không phải nói ngông đâu. Ngược thời gian về thời Nam Bắc triều thì dân Bắc Hà (chỉ vùng đồng bằng sông Hồng thôi, mình xin tách đất Thanh Nghệ ra riêng) là lực lượng hết mực ủng hộ và trung thành với nhà Mạc. Khi chúa Trịnh diệt Mạc thì dân Bắc Hà bị chúa Trịnh kìm tỏa, tước hết binh lực. Từ đó, dẫu “sĩ phu Bắc Hà” có làm quan lớn đến đâu nhưng cũng không dám ho he với “quân Tam Phủ” (quân Thanh Nghệ), họ luôn nằm chiếu dưới, ức chế, chờ thời cơ phản kháng. Cũng vì không có binh lực nên họ chỉ biết “nói khoác” ngoài ra chẳng thể làm nên chuyện to tác gì.

+ Thổ hào: đây là lực lượng vô danh vô tích, nhưng vô cùng mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng ghê gớm, đừng thấy họ ẩn thân mà coi thường. Thế lực này gắn liền với cơ cấu làng xã chặt chẽ của nước ta, mang tính biệt lập, “phép vua thua lệ làng”, mà đại diện có thể là một ông chức sắc làng, trưởng tộc, hay nhân vật có tiếng nói nào đó, chỉ cần hô lên là cả làng ứng theo (đọc sử ta dễ dàng bắt gặp những đoạn như “thổ hào” bắt chúa Trịnh nộp Tây Sơn, “thổ hào” bắt vua Tây Sơn nộp cho Nguyễn Ánh...)

+ “Ngàn Năm Văn Hiến”: bốn chữ đó đã ăn sâu vào tâm trí người Bắc Hà nên tư tưởng chủ đạo của họ là chỉ quy phục ông vua ở Thăng Long, ngoài ra những ông vua “ất ơ” khác họ coi là không chính thống, man di. Đây là lý do họ mãi không phục Tây Sơn, không phục vua Nguyễn, cứ lâu lâu lại nổi dậy khởi nghĩa, hoài, mệt.

- “Vua Lê muôn năm, vua Lê vạn tuế, phù Lê diệt Tây, phù Lê diệt Nguyễn!”

 

2. ĐẤT VÕ THANH NGHỆ

+ Vâng đây là mảnh đất đã sản sinh ra những chiến binh ưu tú từng đánh đuổi giặc Minh, tiêu diệt nhà Mạc, trung hưng nhà Lê, lại giúp họ Trịnh đàn áp khởi nghĩa nông dân, giữ vững ngai vị, nên để khuất phục họ quả không dễ dàng gì. Người thượng võ chỉ chịu dưới quyền minh quân, tướng giỏi, quyết không cam tâm theo hầu bọn ất ơ, nói khoác, vô đức vô năng. Cũng vì lẽ đó, khi vua Quang Trung trẩy quân ra bắc đánh giặc Thanh phải ghé ngang Thanh Nghệ tuyển thêm lực lượng.

- “Chúa công đâu! Mau đem giặc đến đây cho ta đánh! Không còn giặc, ta đánh luôn chúa công!”

 

3. LŨY THẦY

Ừa thì mình chỉ là cái lũy nhỏ thôi, nhưng: “Khôn ngoan qua được Thanh Hà, dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”.

 

4. ĐẤT HỨA THUẬN QUẢNG

Đây là mảnh đất do chúa Nguyễn cất công khai phá, biến một nơi từ “chó ăn đá gà ăn sỏi” thành trù phú xanh tươi, nên dân chúng ở đây coi chúa Nguyễn là “chúa trời”. Dân có oán thì chỉ oán Trương Phúc Loan tham lam lộng quyền, chửi Loan là “Trương Tần Cối”, ngoài ra vẫn cúc cung phò tá nhà Nguyễn.

- “Lạy trời cho chóng gió Nồm, cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm trẩy ra!”

 

5. NGƯỜI HOA HỘI AN

Một nơi tập trung những người giàu có nhất nhì xứ Đàng Trong, có tiềm lực kinh tế, sắc dân đa phần là người Hoa (trước có người Nhật nữa, nhưng thời kì Châu Ấn thuyền đã kết thúc từ giữa thế kỉ 17). Tư tưởng chủ đạo của họ là “gió chiều nào theo chiều ấy”. Đại diện là hai nhân vật sừng sỏ Lý Tài và Tập Đình (chúng vốn là thương nhân kiêm hải tặc, có quan hệ chặt chẽ với nhóm người Hoa sở tại), ban đầu họ phò tá Tây Sơn, nhưng sau khi thua trận Cẩm Sa, bị Nguyễn Nhạc thất sủng, Lý Tài theo hàng chúa Nguyễn, làm đến chức Đại tướng quân. Cuối cùng, Hội An chịu số phận bị hủy diệt hoàn toàn.

- “Đối với ngộ, lợi ích là trên hết!”

 

6. ĐẤT VÕ BÌNH ĐỊNH

Giống như đất Thanh Nghệ ở Đàng Ngoài, Quy Nhơn Bình Định (kinh đô Đồ Bàn cũ) từng đóng vai trò là miền đất biên thùy, ngoại vi trong một thời gian dài, là vùng đệm với Chiêm Thành, là nơi chúa Nguyễn dừng lại tuyển binh rồi đánh về phía nam. Chiến tranh liên miên và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã tôi luyện con người ở đây tinh thần thượng võ cùng bản lĩnh quật cường. Đến khi thực lực của họ lấn át triều đình trung ương thì “càn khôn xoay chuyển”. Tư tưởng của Nguyễn Nhạc thực tế chỉ muốn yên ổn trong đất Bình Định, an nhàn hưởng lạc. Tuy nhiên Nguyễn Huệ lại khác, “diệt Tần phá Sở” muốn mở ra một đế chế vĩ đại, thậm chí đủ sức cạnh tranh với Trung Hoa.

- “Tất cả quỳ xuống, sân khấu này giờ là của ta, Tây Sơn bất diệt!”

 

7. GIẶC TÀU Ô

Giặc Tàu Ô hay còn gọi là giặc Tề Ngôi, vào nửa cuối thế kỉ 18, nhà Thanh tăng cường đàn áp phong trào “phản Thanh phục Minh” đã đẩy một số lượng lớn dân chúng (nhất là vùng Lưỡng Quảng, Phúc Kiến, Đài Loan) ra biển hành nghề hải tặc. Hải tặc từng có thời lớn mạnh đến mức quan binh nhà Thanh phải thốt lên: “Chúng tôi không thể khống chế chúng bằng vũ lực!”. Nổi tiếng nhất trong đám này là Đại Tư mã Trịnh Thất, Bình Ba vương Ô Thạch Nhị, Đô đốc Trần Thiên Bảo, Đô đốc Trịnh Nhất, Tổng binh Mạc Quan Phù, Tổng binh Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài, Đàm A Chiêu…

- “Đại ca Nguyễn Huệ thu nhận, nuôi nấng chúng ta, chúng ta phải dốc lòng dốc sức giúp đại ca trở thành Vua Hải Tặc, bá chủ thiên hạ!”

 

8. LƯƠNG SƠN TÁ QUỐC

Núi Tà Lương của Châu Văn Tiếp, từ tay buôn ngựa xưng hùng thiên hạ, lại xét mảnh đất Bình Định – Phú Yên không chỉ là vùng biên thùy khắc nghiệt, mà còn nằm trên con đường buôn bán xuyên “Đông Nam Á”, từ đây băng qua rừng núi Nam Bàn, đến Chân Lạp, Xiêm La, hay xa hơn nữa. Dân xứ này không chỉ thượng võ mà còn tích lũy đủ tiềm lực kinh tế, mối quan hệ với các sắc tộc phía Tây, khi chín muồi thì bùng lên khó ai kiềm chế nổi. Tuy nhiên, khác với Tây Sơn, tư tưởng chủ đạo của Lương Sơn là phò tá nhà Nguyễn, diệt gian thần (hệt như Tống Giang trong Thủy Hử vậy).

 

9. THUẬN THÀNH TRẤN

Thuận Thành trấn của người Chiêm Thành luôn khao khát giành độc lập, ban đầu theo Tây Sơn cũng vì muốn thoát ly nhà Nguyễn, nhưng sau đó lại trở thành vùng đệm, nơi giành giật, đánh nhau ác liệt giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.

- “Trời ơi, khổ quá, tui phải theo ai đánh ai, tui làm gì bây giờ?”

 

10. QUÂN GIA ĐỊNH – ĐỒNG NAI

Vâng cũng như đất Thuận Quảng, “chúng tôi vô cùng yêu chúa Nguyễn”, ngoài ra do không bị Trương Phúc Loan quấy phá, bốc lột, không bị nạn đói khủng khiếp như Quảng Nam nên tình yêu thuần khiết này “còn được x10 lần”.

Trong “Việt Nam sử lược” có chép một chuyện (không biết là vui hay buồn) rằng: Năm 1799, trên đường tiếp viện cho thành Quy Nhơn đang bị vây ngặt, đạo quân của Vũ Văn Dũng đóng ở Chung Xá, ban đêm có con nai trong rừng chạy ra, binh lính nhác thấy, kêu to lên rằng: “Con nai!”. Quân Tây Sơn nghe lầm là “Đồng Nai”. Mọi người vội luống cuống bỏ chạy. Tự mình dọa mình, đội ngũ đều vỡ tan cả. Quân Nguyễn thừa thế đánh đuổi, rốt cuộc Tây Sơn thua to. Thành Quy Nhơn không được cứu viện, hết lương thực, bèn mở cửa ra hàng.

 

11. QUÂN ĐÔNG SƠN – BA GIỒNG

Về thành phần, xuất thân của quân Đông Sơn nay vẫn còn là bí ẩn, có người đồn đoán rằng họ xuất thân từ giới giang hồ hiệp nghĩa, một bang phái do Đỗ Thanh Nhơn lãnh đạo, “bang chủ” Đỗ Thanh Nhơn là ý chí tối cao của bọn họ. Đỗ Thanh Nhơn bị Nguyễn Ánh ám sát, tàn quân Đông Sơn từ đó “gặp thần giết thần, gặp ma giết ma”, không theo Tây Sơn, không phục chúa Nguyễn.

 

12. QUÂN HÒA NGHĨA – CÙ LAO PHỐ

Cù Lao Phố còn được gọi là Đông Phố, Giản Phố, Cù Châu, Nông Nại Đại Phố. Ban đầu quân Hòa Nghĩa do Lý Tài chiêu tập người Hoa ở vùng Quảng Nam, Hội An. Sau khi quân Hòa Nghĩa bị chết gần hết trong trận Cẩm Sa thì Lý Tài vào nam, đến Cù Lao Phố chiêu tập tiếp người Hoa sung vào quân Hòa Nghĩa. Tư tưởng chủ đạo của họ là tận trung với chúa Nguyễn.

Năm 1776–1777 quân Tây Sơn đem quân vào đánh Gia Định, giết được Lý Tài, tiêu diệt chúa Nguyễn, đồng thời tàn phá Cù Lao Phố. Quân Tây Sơn dỡ phòng ốc, gạch, ngói đem hết về Quy Nhơn, khiến dân cư bỏ chạy lưu tán khắp nơi. Một vùng thương mại sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong thành tro tàn.

 

13. TRẤN HÀ TIÊN – HỌ MẠC

Khác với Thuận Thành trấn bị chúa Nguyễn chèn ép, trấn Hà Tiên của họ Mạc thì có quyền tự trị khá cao, kinh tế nơi đây phát triển, phồn hoa ngang ngửa Gia Định, Cù Lao Phố. Tuy nhiên sau khi bị quân Xiêm sang cướp phá tan tành vào năm 1771–1772, thì tiềm lực nơi đây không còn, phải sống bám vào chúa Nguyễn.

- “Mị khổ quá, chúa Nguyễn ơi!”

- “Xin lỗi, chưa biết ai khổ hơn ai…?”

 

14. QUÂN KIẾN HÒA – GÒ CÔNG

Quân Kiến Hòa do Võ Tánh (em Võ Nhàn, quân Đông Sơn) thành lập với mục đích chính là bảo vệ đất đai, của cải vùng Gò Công, Ba Giồng khỏi bị hàng tá thế lực khác nhau nhăm nhe cướp phá. Họ không có thiện cảm với Tây Sơn, từng choảng nhau với Tây Sơn nhiều trận thắng lớn. Và riêng Võ Tánh thì lại có tư thù với Nguyễn Ánh nên:

- “Các người lượn hết đi giùm, để cho ta yên!”

 

15. MIỆT BA THẮC – NGƯỜI KHMER

Cũng giống như Thuận Thành trấn, người Khmer ở đây luôn mong muốn độc lập, tự trị, sống yên ổn. Họ từng nổi dậy nhiều lần khiến chúa Nguyễn đánh dẹp rất vất vả. Sau này được Nguyễn Ánh hứa hẹn và cho thủ lĩnh người Khmer làm tướng, nên họ đem quân phò tá chúa Nguyễn.

 

16. NAM BÀN, THỦY XA – HỎA XÁ

Đây là đất của người dân tộc, và người dân tộc rất thiện chiến, nên chẳng ai dám rớ. Người Nam Bàn từng giúp sức tích cực cho quân Tây Sơn vào buổi đầu khởi nghĩa. Sau này, họ còn che chở hậu nhân Tây Sơn khỏi bị nhà Nguyễn truy sát, Gia Long biết điều đó, nhưng chẳng dám cử quân tiến vào rừng thiêng.

- “Nếu các người cùng ngồi uống rượu, tôn trọng già thì già sẽ giúp cho vài chiến binh giỏi, vài con voi khỏe, tình nghĩa là trên hết!”

 

17. NHÀ THANH THIỆN LÀNH

“À vua Lê do tụi tao sắc phong, nên khi vua khóc lóc cầu cứu thì trách nhiệm cao cả của tụi tao là kéo quân sang bênh vực (nhân tiện chiếm đất luôn), chỉ vậy thôi, rảnh mà!”

 

18. CHÂN LẠP

“Mấy anh, mấy chú, mấy bác tha cho em, anh Nguyễn lo đánh Tây Sơn, anh Xiêm lo đánh Miến Điện đi, đừng chiếu cố em nữa, hức hức!”

 

19. XIÊM LA

- Taksin: “Tau bị Miến Điện cướp phá tan tành, thôi qua cướp Chân Lạp, Hà Tiên gỡ lại chút vốn vậy!”

- Chakri (Rama I): “Mấy chú khóc lóc gì, bị Tây Sơn truy sát hả, thôi qua đây làm con nuôi của chế rồi chế thương nè!”

 

20. VẠN TƯỢNG

“Trả Trấn Ninh cho mị rồi mị cử quân giúp cho!”

 

21. PHÚ LANG SA

“Khai hóa, khai sáng, khai tất cả!”

 

=> Việc thống nhất thiên hạ do Tây Sơn đặt nền tảng, Bắc Hà góp sức đôi chút (Hoàng Ngũ Phúc đánh Thuận Quảng, chiến Phú Xuân), cuối cùng ván cờ tất tay này vua Gia Long giành phần thắng. Bởi vậy, thống nhất thiên hạ không phải sức một người mà làm nổi. Nó là một quá trình đẫm máu và nước mắt, lạnh lùng hủy diệt tất cả, nhào nặn mọi thứ, cuối cùng dựng xây nước Việt Nam trên đóng tro tàn của chiến tranh và binh.

-------------

••Nguồn sở văn các .

----------

    Viết xuống "SỬ VIỆT: THỐNG NHẤT THIÊN HẠ KHÓ HƠN LÊN TRỜI!" không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a...

Nguồn: TIÊN HIỀN THƯ VIỆN


  • 0
  • 0

Thư hữu cần đăng nhập để bình luận!

DuyNguyễn

phàm nhân DuyNguyễn

Cảm ơn chủ tác vì kiến thức.

4 năm trước


TIÊN HIỀN THƯ VIỆN

Tiên hiền thư viện tổng hợp review truyện, sưu tầm kinh điển trích lời, viết xuống tiêu điểm nhân vật, cầm tay chỉ đạo sáng tác, tóm tắt truyện chữ, đóng góp truyện ngôn tình, review truyện ngôn tình.

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO

LIÊN KẾT

google news tiktok