Không biết rằng vô tình hay cố ý, Kim Dung đã cố tình pha trộn giữa Bái hỏa giáo và Ma ni giáo. Mặc dù hai tôn giáo này có những điểm chung, sử sách không nói rằng Ma ni giáo cũng coi lửa làm biểu tượng của quang minh như Bái hỏa giáo. Do đó Minh giáo qua Kim Dung là một tổ chức được tiểu thuyết hóa, ít tôn giáo mà nhiều tính chất bang hội. Chính vì thế chúng ta thấy Minh giáo được tổ chức chặt chẽ nhưng lại dựa trên những liên kết thế tục hơn là thần quyền. Từ một đoàn thể bí mật, Minh giáo đã nhanh chóng biến mình để thành một đảng cách mạng. Chúng ta có thể nói rằng Minh giáo của thời Mạt Nguyên có nhiều điểm tương đồng với Thiên địa hội đời Thanh sơ hay Thái Bình Thiên quốc đời Thanh mạt và hoàn toàn khác hẳn những tôn giáo sẵn có ở Trung Hoa, tiêu biểu là Phật giáo hay Lão giáo. Ngay từ sau chương giới thiệu câu chuyện, Kim Dung đã cho xuất hiện nhiều nhân vật liên quan đến tà giáo nhưng không đề cập đến nguyên ủy ngọn ngành của họ. Một Ân Tố Tố nữ cải nam trang cố tình làm cho phái Thiếu Lâm tưởng Trương Thúy Sơn là thủ phạm vụ giết người ở Long Môn tiêu cục, một Tạ Tốn thần oai lẫm lẫm khi đến Vương Bàn Sơn đảo cướp thanh đao Đồ Long. Rồi những nhân vật hạng nhì như Thường Kim Bằng hay Bạch Qui Thọ cũng có võ công hơn người khi dương đao lập uy. Hết việc nọ tới việc kia, cho tới khi hai vợ chồng Trương Thúy Sơn – Ân Tố Tố tự sát, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ tà phái được tổ chức như thế nào. Tấm màn bí mật đầu tiên được vén lên là khi Trương Tam Phong cứu Thường Ngộ Xuân khi người này bị quân Mông Cổ truy kích trên sông Hán Thủy.
Thế nhưng khi tìm hiểu về Minh giáo trong khung cảnh thực tế xã hội Trung Hoa, chúng ta thấy rằng Kim Dung đã không đơn thuần chỉ dựa vào tài liệu và sử sách. Minh giáo trong Ỷ Thiên Đồ Long ký là một kết hợp giữa một giáo phái với một bang hội, một tổ chức mà những giáo đồ không chỉ có chung một đức tin. Chính cái tinh thần tương thân tương trợ, một kỷ luật nội bộ, những qui tắc và thứ bậc đã tạo cho Minh giáo thành một tổ chức có thực lực chính trị vì họ đã huy động được một hậu thuẫn quần chúng. Minh giáo của Kim Dung dưới thời mạt Nguyên đó và Thiên địa hội trong thời Thanh sơ có nhiều điểm tương đồng, ít nhất trong vai trò chính trị của nó là một tổ chức đối kháng với triều đình. Cả hai đều có ý định khôi phục lại giang sơn đang bị người bên ngoài thống trị. Tuy nhiên, Kim Dung không chỉ biến giáo phái này thành một tổ chức ái quốc, ông còn muốn đặt Minh giáo như một trong ba nguồn văn hóa chính yếu tạo nên cái gọi là văn minh Trung nguyên trong thời kỳ đó, đại diện cho một khuynh hướng võ thuật – võ công Tây vực, có xuất xứ từ Ba Tư với nền văn minh Trung Đông làm nền tảng. Văn minh Tây vực đó là một trong ba nền văn minh làm thành thế đỉnh túc cho Hán tộc bao gồm văn minh Trung nguyên, đại diện là quan niệm âm dương trong Dịch lý với Trương Tam Phong và phái Võ Đương, văn minh Thiên Trúc, với Phật học làm nền tảng mà chùa Thiếu Lâm là đại biểu.
Trương Vô Kỵ được coi như một tập đại thành của ba nền văn minh khi chàng có căn bản là Cửu Dương Thần Công phát xuất từ một vị cao tăng của Thiếu Lâm, lại được học Càn Khôn Đại Na Di và võ công trong Thánh Hoả Lệnh của Minh Giáo, cũng như Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm của Trương Tam Phong.
Tại Trung Hoa, tôn giáo không dựa trên tín niệm như tại Âu Châu, cũng như tổ chức thường rất rời rạc. Nhiều đoàn thể kết hợp bằng nhiều mẫu số, địa phương, sắc tộc, tương trợ, nghi thức tế lễ, giáo điều, ý thức hợp quần, và cả những mô thức sinh hoạt chung. Những bang hội, hiệp hội, môn phái, giáo phái … được kết hợp không khác nhau bao nhiêu. Riêng Minh giáo, tổ chức này không còn thuần túy như đạo Mani nguyên thủy mà đã bị đồng hóa với những tôn giáo có sẵn để trở thành một tổ chức quần chúng, ít phần tôn giáo nhưng nhiều phần thế tục.
Hiện nay, giáo đồ của đạo Bái Hỏa chỉ còn chừng hai trăm nghìn, nhiều nhất là tại Ấn Độ (100,000) và Iran (60,000). Riêng ở Bắc Mỹ Châu có chừng 15,000 và hàng năm có những buổi lễ, nhất là vào khoảng tháng 8, 9 kỷ niệm ngày sinh của Zraathustra. Họ sống một đời sống trong sạch và hiền hòa, tôn trọng những giáo nghĩa cổ kính (không ngoan, lẽ phải, đạo đức, bác ái, toàn thiện, bất tử và thiêng liêng), yêu thiên nhiên.
Trong lịch sử, người ta đã thấy nhiều nhóm giáo phái biến hình thành một lực lượng nổi dậy, chẳng hạn như giặc Khăn Vàng thời Tam Quốc, Bạch Liên giáo đời Minh, Thiên Địa Hội đời Thanh. Có lẽ chính vì thế, những người cầm quyền tại Trung Hoa luôn luôn nhìn tôn giáo bằng một con mắt ít thiện cảm, nhất là những tôn giáo có khả năng điều động tín đồ thành một phong trào. Thiên Địa Hội đời sơ Thanh, Thái Bình Thiên Quốc thời Thanh Mạt, loạn Quyền Phỉ thời đầu thế kỷ, hay Thanh Bang thời Dân Quốc đều là những tổ chức bán chính trị, bán tôn giáo có ảnh hưởng rất mạnh đến vận mệnh của một triều đại. Có lẽ vì thế mà nhà cầm quyền Trung Hoa hiện nay cũng muốn “tiên hạ thủ vi cường” với những người trong nhóm Pháp Luân Công.
Nguồn: TIÊN HIỀN THƯ VIỆN
Thư hữu cần đăng nhập để bình luận!
Bằng hữu tới nói 2 câu đi...
Huyền Giám Tiên Tộc: Tử Phủ Đầu Tiên
Già Thiên: Tản mạn vài dòng về Hằng Vũ Đại Đế
Tỏ Tình Ngươi Không Chấp Nhận, Ta Thay Lòng Đổi Dạ Ngươi Khóc Cái Gì: Dân mạng đánh giá thế nào?
Đại Mộng Chủ: nội dung truyện như thế nào, đánh giá ra sao?
Toàn Chức Cao Thủ: Lưu Tiểu Biệt kiếm khách siêu nhanh nhẹn của Vi Thảo
Thiên Tằm Thổ Đậu phải chăng sắp hết thời?
truyện hắc ám cùng loại Luân Hồi Nhạc Viên
Ta có thần thủ bắt đầu ăn cắp hoàn thể cửu vĩ
XẾP HẠNG VÕ CÔNG THƯ KIẾM ÂN CỪU LỤC
Nguyên tắc thiết lập kim thủ chỉ — Phần 1
Cấp bậc tu luyện trong Tu Chân Liêu Thiên Quần
Tác giả mạng phản ứng ra sao với việc thăm dò ý kiến chức danh cho tác giả mạng
Tiên hiền thư viện tổng hợp review truyện, sưu tầm kinh điển trích lời, viết xuống tiêu điểm nhân vật, cầm tay chỉ đạo sáng tác, tóm tắt truyện chữ, đóng góp truyện ngôn tình, review truyện ngôn tình.