Vương Trùng Dương xứng đáng ngồi chung mâm với các huyền thoại võ học trong Kim Dung

Nguyễn Thúy Ngân | | 8650

Cộng Đồng Bàn luận

    Vấn đề này mị cùng một số huynh đệ trong đây đã từng tranh cãi với nhau một thời gian rất lâu trước rồi, sau đó cũng chia ra đi tìm hiểu kỹ về mọi mặt trong truyện thì cuối cùng phần lớn trong số họ đã quay lại thống nhất Vương Trùng Dương, Đấu Tửu Tăng, Độc Cô Cầu Bại, Hoàng Thường và Trương Tam Phong là những người xứng đáng đặt vào mâm huyền thoại nhất trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc.

    Về những điều kiện để đạt đến tầm huyền thoại, thì cũng có rất nhiều yếu tố. Trước đây chỉ cần võ công tuyệt đỉnh áp đảo tất cả, tạo ra thần công vô địch thiên hạ là đủ. Nhưng sau này mọi người khắt khe hơn, mọi người mới bàn đến cả nhân cách, thành tựu khai tông lập phái hay đạo lý võ học cùng vô số những tiêu chuẩn khác. Mị thì không đủ tầm để bàn sâu xa cỡ đó, nên tạm thời viết đến đâu bàn đến đấy thôi, với lại viết vội còn đi học nữa nên thiếu sót gì mọi người thông cảm nhé.

Vương Trùng Dương xứng đáng ngồi chung mâm với các huyền thoại võ học trong Kim Dung

 

1) Võ công của Vương Trùng Dương

-Trước hết phải nói qua điều này, mọi người thường nghĩ rằng, võ công càng tu tập lâu thì càng mạnh mẽ không có điểm dừng. Điều đó đúng, nhưng đối với cao thủ tuyệt đỉnh thì chỉ hữu dụng nếu đã giao đấu ngoài ngàn chiêu, khi này sẽ phụ thuộc vào tâm lý, tinh thuần hơn thua nhau thế nào mà phân thắng bại, tuy nhiên với trình độ của những người như ngũ tuyệt thì phân thắng bại xong cũng chỉ cách nhau một chiêu nữa thức là cùng. Và song song với nó thì càng luyện nhiều môn võ công thì càng có lợi thế. Tuy nhiên điều này chỉ thích hợp để đối phó với các cao thủ nhất lưu, còn trình tuyệt đỉnh cao thủ, kiến thức võ học bao trùm rồi thì điều này chỉ hữu dụng nhất và lúc khẩn yếu quan đầu, thời khắc quan trọng mà tung ra để chiếm tiện nghi.

+Tại sao Châu Bá Thông lần đầu đối phó với Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng, toàn thân Dương Quá cùng lúc phát lực nhưng ông vẫn có thể xoay sở đỡ được tất cả ?

+Độc Cô Cầu Bại chắc gì đã biết được Tịch Tà Kiếm Pháp như thế nào, nhưng Độc Cô Cửu Kiếm của ông vẫn có thể tìm ra sơ hở của nó ?

+Hoàng Thường làm gì biết Ngọc Nữ Tố Tâm ra làm sao, nhưng Vương Trùng Dương sau khi quán thông Cửu Âm Chân Kinh của ông lại có thể phát giải được võ công Cổ Mộ ?

+Tại sao Hồng Thất Công không cần biết Lạc Anh Chưởng có bao nhiêu hư chiêu, bao nhiêu thực chiêu. Chỉ cần đánh ra một đòn kháng long hữu hối thì ắt chiêu đó sẽ bị phá.

=> Những điều trên cho thấy, võ công có thể phát triển vô bờ bến. Nhưng một khi đã nắm bắt được đạo lý từ cơ bản đến tận cùng của võ học rồi thì vẫn luôn có thể xoay sở tất cả. Trình tuyệt đỉnh cao thủ là như thế đấy.

Ngũ Tuyệt từ Hoa Sơn Luận Kiếm lần đầu tiên cho đến lần hai và ba, mị khẳng định luôn là không quá chênh lệch về độ mạnh yếu của tuyệt kỹ lợi hại nhất. Trình độ của họ có thể tăng lên, nội công có thể thâm hậu hơn, võ thuật có nhiều cải tiến. Nhưng tại sao Hồng Thất Công luôn giữ lại cho mình Đả Cẩu Bổng Pháp, không bao giờ tung hết ra để làm ngón nghề giữ nhà mà đọ chân lực lại luôn dùng Hàng Long Thập Bát Chưởng ? Và môn Linh Xà Quyền lợi hại của Âu Dương Phong dùng để quyết định thắng phụ vào lúc khẩn yếu quan đầu thì chắc gì đã mạnh hơn môn Cáp Mô Công của hắn ?

=> Võ công dù có tăng tiến, có phát triển thêm, thậm chí là có bỏ hướng cũ, đi theo hướng mới đi nữa thì cũng khó mà vượt qua được những thành tựu trước đó của bản thân đã luyện lên đến tối thượng. Đó chính là lý do tại sao Ngũ Tuyệt dù đều đã nghiên tập qua Cửu Âm Chân Kinh, nhưng họ vẫn dùng võ công trước đây của bản thân mà chiến đấu.

=>> Đó cũng là điều mà mị luôn nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều post tranh luận. Là thần công mạnh nhất, cũng chưa chắc đã hơn được một đạo lý võ học đơn giản. Thái Cực Kiếm có thể xem là một tuyệt kỹ kiếm pháp hàng đầu, nhưng đối đầu với đạo lý 9 thức kiếm phá võ công thiên hạ thì cũng khó mà hơn được.

...

-Lại nói đến võ công của Vương Trùng Dương và Tứ Tuyệt. Chắc chắn khi này võ công của họ đã lên đến mức thông suốt các đạo lý cơ bản nhất trong võ học rồi, như Châu Bá Thông lần đầu gặp Ám Nhiên vẫn có thể đối phó, hay như Vô Kỵ giống như con Đại Bàng nhìn hai con Mãnh Thú đánh nhau từ trên cao mà thấy được các thiếu sót vậy. Tất nhiên, trình độ nắm bắt đạo lý căn bản của Ngũ Tuyệt chưa hẳn đến mức thượng thừa, nhưng để đánh bại họ bằng môn võ công đặc thù là cực kỳ khó. Và cùng lắm nếu ngay lập tức họ bị khốn đốn bởi võ công quá quái dị thì cũng đủ sức phòng thủ nghiêm cẩn môn hộ không đến mức thảm bại.

-Vương Trùng Dương có thể không tự mình phá giải được Ngọc Nữ Tố Tâm nhưng không có nghĩa là ông đụng môn võ này sẽ auto thất bại. Ngược lại Vương Trùng Dương cũng chẳng cần phải phá giải, mà dùng những môn mạnh nhất của mình thẳng thắn mà đánh thì cũng có thể chiến thắng. Phá giải là một chuyện, còn phân thắng bại lại là một chuyện khác. Theo lời kể thì mãi sau này Lâm Triều Anh bỏ bê luyện tập nên võ công Vương Trùng Dương vốn đã cao hơn bà một bậc.

=> Thiên hạ có ngàn vạn võ công, thì ta không nhất thiết phải học ngàn vạn cách phá giải, mà chỉ cần một vài môn võ công mạnh hơn tất cả, hay biết một số cách thức đủ phá giải tất cả là đủ rồi. Vương Trùng Dương vô địch thiên hạ là người có đủ cả hai thứ đó đấy.

...

-Võ công đã nói qua, thì giờ ta bàn đến công lực. Công lực là thước đo thành tựu, tùy trường hợp mà nó có thể bao gồm cả võ công, nội lực, nội công, sự tinh thuần, căn cơ và tư chất con người… nhưng ở đây mị chỉ dùng từ "công lực" để đại diện cho nội lực và nội công.

-Tất nhiên mị vẫn phải nhắc lại, là cơ thể con người có giới hạn. Tuy mỗi người mỗi khác, nhưng giới hạn con người là cách biệt nhau không quá nhiều, nên lượng nội lực cùng lúc có thể sử ra đối với các tuyệt đỉnh cao thủ là xấp xỉ nhau cả. Phần còn lại là phụ thuộc vào nội công, tức là cách điều quân dẫn nội lực sao cho hợp lý với hướng đi của mình nhất. Ví dụ như Vô Kỵ có lượng nội lực Cửu Dương dồi dào, đả thông kỳ kinh bát mạch cả rồi mà không thể đẩy được cánh cửa đá, đó là do nội lực có thừa nhưng không biết cách vận dụng triệt để. Sau khi học Càn Không Đại Na Di vào, thì lượng nội lực vẫn vậy, nhưng khi này cách vận dụng đã khác nên hiệu quả sẽ thay đổi hẳn, đó là kết quả của nội công.

-Đối với Vương Trùng Dương và Tứ Tuyệt cũng vậy, họ khác với các cao thủ nhất lưu nội lực chưa đăng phong tạo cực. Với các cao thủ nhất lưu, thì càng luyện sẽ càng tăng lên về lượng. Hay thậm chí công lực còn tự tăng tiến, bởi vị họ chưa đạt đến giới hạn cao nhất của con người. Tiêu Phong, hay Quách Tĩnh đầu Thần Điêu cũng chỉ là người lấy võ kỹ bù đắp công lực, chứ nếu cả hai người này mà đấu nội lực với Kim Luân Pháp Vương thì e là sẽ thất bại nặng nề.

-Còn với các cao thủ đã đăng phong như ngũ tuyệt, nội lực của họ ở Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ nhất cũng đã đến giới hạn của con người rồi, có luyện thêm vài mươi năm đi nữa thì cũng lắm cũng khai thông thêm vài đường kinh mạch, giúp cho thổ nạp nhanh hơn sau khi hao tổn nội lực, có hướng tu luyện mới mẻ hơn chứ về lượng thì không thể nhiều hơn được nữa. Nếu Ngũ Tuyệt Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ nhất mà đấu nội lực với chính họ ở mùa thứ ba thì mị đảm bảo luôn kết quả sẽ y như Hồng Thất Công với Âu Dương Phong mà thôi. Người thắng cũng chỉ hơn người thua chút đỉnh dựa vào sự tinh thuần, chứ không hề có vụ áp đảo hoàn toàn như mọi người thường nghĩ. Còn về vận kình sử lực, điều quân dẫn khí thì mỗi người mỗi đặc trưng, trừ khi nó quá đỉnh cấp như Càn Khôn Đại Na Di thì còn lại mị đánh giá là các Tuyệt đều ngang trình cả, mùa một hay mùa ba đều không quá chênh lệch nhau.

=> Vương Trùng Dương tuy không có quãng thời gian tu tập lâu như những người khác nhưng đảm bảo những người còn lại sẽ có lượng nội lực không hơn ông là bao. Đồng nghĩa với việc không hề có trường hợp ông thọt công lực quá xa so với họ.

KẾT LUẬN: Dù mất sớm, nhưng so sở học bản thân thì Vương Trùng Dương đã đạt đến đỉnh điểm của võ học. Dù cho những người còn lại chiêu thức có tinh diệu, có mới lạ hơn nhưng không có nghĩa những môn võ công mới mà họ học sẽ lợi hại hơn những môn võ công đăng phong tạo cực của họ trước đó, hay cụ thể hơn là không thể mạnh hơn môn võ công mạnh nhất mà Vương Trùng Dương có.

 

2) Vương Trùng Dương quán thông Cửu Âm Chân Kinh liệu có sánh bằng Ngũ Tuyệt Mùa thứ ba?

-Mị đã có bài viết giải thích rõ về Cửu Âm Chân Kinh rồi. Mọi người có thể tìm đọc lại là sẽ rõ. Mị tạm trích vài ý ra đây.

+Cái tinh túy nhất của Cửu Âm Chân Kinh không nằm ở các môn võ công ghi chép trong đó, mà lợi hại ở mảng đạo lý hướng dẫn dùng sở học bản thân để phá giải võ công thiên hạ.

+Hoàng Thường viết nên Cửu Âm Chân Kinh, với vẻ bề ngoài là sở học thượng thặng đạo gia, thiên lệch về lấy nhu làm trọng, lấy âm làm thịnh. Nhưng chính phần Phạn Văn là chiều khóa giải nghĩa chính ý đúng đắn nhất, sẽ cho thấy Cửu Âm Chân Kinh là Âm Dương Cương Nhu cân bằng. Ở bản Xạ Điêu tân tu, cụ Kim đã khẳng định Hoàng Thường khắc phục được sự thiên lệch vốn có của võ học Đạo Gia. Tức là Cửu Âm Chân Kinh không hề thiên lệch.

+Đấu Tửu Tăng tham khảo Cửu Âm Chân Kinh, cảm thấy thiên lệch là vì bản thân ông không hiểu rõ chính ý của chân kinh, có lẽ là do ông không biết tiếng Phạn nên không thể hiểu được những gì Hoàng Thường cố che giấu. Nhưng cũng vì thế mà ông có cơ hội thử sức bản thân viết nên Cửu Dương Chân Kinh. Chứ nếu ông mà hiểu rõ Cửu Âm Chân Kinh thì ông đã xem như đây là bộ bí kíp hoàn hảo, không cần phải bổ sung hay chỉnh sửa gì, và Cửu Dương Chân Kinh có lẽ đã không thể ra đời.

+Ờ bản Xạ Điêu tân tu, Vương Trùng Dương không biết tiếng Phạn, nhưng được khẳng định là quán thông được Cửu Âm Chân Kinh chính ý, tức là những gì mà Hoàng Thường che giấu trong phần Phạn Văn. Điều này cho thấy tư chất của Vương Trùng Dương cực kỳ khủng khiếp, và một phần còn lại là do ông thông hiểu võ học Đạo Gia nên có thể tự suy ra được.

=> Vương Trùng Dương là một trong những người hiểu rõ được toàn bộ Cửu Âm Chân Kinh. Không thua gì những người giải và học được phần Phạn Văn sau này.

-Vậy Vương Trùng Dương chỉ quán thông Cửu Âm Chân Kinh, không hề tu luyện có đủ sức sánh vai với ngũ tuyệt mùa thứ ba không ? Chắc chắn là có, vì người như Vương Trùng Dương thì chỉ cần quán thông là đủ, không cần tu tập gì cả. Như trên mị nói, cái lợi hại nhất trong Cửu Âm Chân Kinh chính là đạo lý, không phải võ công. Với tấm thân võ công tuyệt đỉnh vô địch thiên hạ như Vương Trùng Dương, thì chỉ cần có thêm đạo lý hướng dẫn sử dụng những môn võ công của ông sao cho hiệu quả nhất, sử dụng như thế nào để có thể phá giải võ công thiên hạ là đủ rồi. Ông không cần phải tu luyện gì thêm mà vẫn có thể lĩnh hội được phần tinh túy mạnh nhất của Chân Kinh.

+Nói thêm cho dễ hình dung, tại sao Quách Tĩnh không học Đại Phục Ma Quyền trong Cửu Âm Chân Kinh ? Là bởi vì bản thân ông đã có Hàng Long Thập Bát Chưởng cũng mang yếu tố dương cương tương tự rồi. Ông chỉ áp dụng các đạo lý trong chân kinh mà sử dụng, cải tiến hàng long sao cho hợp lý, để phát huy nó lên tầm cao mới là đủ. Không cần phải bỏ công bỏ sức học lại một môn quyền pháp mới làm gì cả, vì dù có học Đại Phục Ma Quyền thì luyện đến đăng phong tạo cực chắc gì nó đã mạnh hơn Hàng Long Thập Bát Chưởng, chưa kể lại tốn thời gian tu tập hơn rất nhiều. Vương Trùng Dương cũng vậy, Cửu Âm Chân Kinh chứa các võ học đạo gia thượng thặng, bản thân ông lại sở hữu tấm thân võ học huyền môn chánh tông y hệt. Tức là vốn từ đầu ông đã là kẻ đi được 90% quyển chân kinh này sẵn rồi. 10% còn lại là lĩnh hội các đạo lý khắc địch thôi, và điều này lại cực kỳ đơn giản đối với ông.

=> Vương Trùng Dương là người lĩnh hội được nhiều nhất nhì những gì mà Cửu Âm Chân Kinh ghi chép. Nếu đem ông ra so sánh thành tựu Cửu Âm Chân Kinh với ngũ tuyệt đời sau thì ông chỉ có bằng hoặc hơn, chứ không thể kém được.

 

3) Một số thành tựu nối bậc trong cuộc đời.

+Vương Trùng Dương võ công vô địch thiên hạ, có luyện thêm cũng bằng thừa. Nên quyết không luyện võ công trong Cửu Âm Chân Kinh. Chỉ giành lấy chân kinh để tránh cho giang hồ một cuộc chiến đẫm máu. Xem như là làm phúc cho cả võ lâm.

+Ông là nghĩa sĩ kháng Kim, tuy thất bại nhưng vẫn là con người đáng được nể trọng. Tuy không được đề cập đến các việc làm hành hiệp trượng nghĩa, nhưng hành động chống giặc ngoại xâm như thế cũng đã giúp ông trở nên ngang hàng với các đại hiệp.

+Vương Trùng Dương là người đặt nền móng lớn nhất cho Đạo Gia Bắc Tông, môn đồ có thể lên đến hàng vạn người cùng các đạo quán khắp nơi. Khai sinh ra võ công huyền môn chính tông đứng đầu võ học thiên hạ. Bản thân ông không đích thân truyền thụ tuyệt nghệ cho học trò, nhưng Toàn Chân Thất Tử vẫn là những cao thủ có tiếng, như Khưu Xứ Cơ danh tiếng vang lừng từ nam chí bắc.

+Đạo lý võ học thì không có gì nổi bậc từ bản thân sáng tạo ra, nhưng võ công để lại thì đều là các môn cao thâm huyền môn. Thiên cang bắc đẩu trận lợi hại khôn lường cũng là một công trình khiến tứ tuyệt còn lại phải thán phục.

TỔNG KẾT: Vậy Vương Trùng Dương võ công vô địch thiên hạ, dù cho Ngũ Tuyệt 50 năm sau cũng chưa chắc đã hơn ông. Thành tựu bản thân to lớn, lại tiên phong đi đầu trong tiền Xạ Điêu về khai tông lập phái, uy chấn thiên hạ như vậy. Còn lý do gì để cho rằng Vương Trùng Dương chưa xứng đáng xếp vào mâm huyền thoại ?

BONUS :

-Tại sao Tây Độc cuối Xạ Điêu có thể dễ dàng đánh bại Đông Tà và Bắc Cái.

=> Như đã nói trên, trình độ của ba người này đều là tuyệt đỉnh cao thủ, võ công đều không hơn kém gì nhau. Nhưng Đông Tà và Bắc Cái tự phụ bản thân hiểu rõ võ công thiên hạ và sở trường của đối phương. Nên thường tiên phát chế nhân mà ngự địch. Gặp Âu Dương Phong khi này ra chiêu đảo nghịch phương vị, lại điên cuồng không tự trọng thân phận tông sư, làm đủ các trò dơ bẩn thì ngay lập tức khiến cho Đông Tà và Bắc Cái thất thế. Họ thất thế không phải vì võ công Tây Độc mạnh hơn, Tây Độc võ công vẫn thế, chỉ là lối đánh khác biệt tạo nên tiện nghi mà thủ thắng. Nhưng sau vài hiệp giao đấu, Bắc Cái và Đông Tà nhận ra ngay mấu chốt và trận đánh kéo ngay lại về thế cân bằng.

+Lấy ví dụ thực tế : Bình thường ta hay lái xe tay ga như một thói quen, không cần tập trung suy nghĩ thì hai cánh tay vẫn có thể hoạt động nhịp nhàng để điều khiển phương tiện mình di chuyển như ý. Nhưng giờ đùng một cái, bắt người ta bắt chéo hai tay, tay phải cầm vào tay cầm bên trái, tay trái cầm vào tay ga bên phải mà lái xe thì đảm bảo ngay lần đầu sẽ té sấp mặt ngay. Dù ai cũng hiểu rõ cách điều khiển chiếc xe như thế nào. Tây Độc vs Đông Tà và Bắc Cái cũng thế. Bình thường Đông Tà và Bắc Cái tự tin thấu hiểu võ công đối phương, biết y ra chiêu bên trái thế nào, đánh vào bên phải ra sao nên sẽ theo thói quen mà vung tay đối phó, không cần phải suy nghĩ nhiều, giờ tự dưng Tây Độc ra tay ngược lại phương vị, thì thay vì cứ thuận tay mà vung ra đối phó hắn như thường lệ, thì bây giờ bắt buộc phải tập trung suy nghĩ để làm điều đối nghịch lại, chắc chắn sẽ không thể nào lợi thế bằng Tây Độc đánh đấm ra đòn như một thói quen được.

+Hơn nữa Đông Tà thì đấu 300 chiêu với Quách Tĩnh, Bắc Cái thì 300 chiêu và một trận với Tây Độc. Còn Tây Độc đấu với Bắc Cái xong bỏ chạy đi luyện công, thì công lực khi này sẽ có phần lợi thế hơn. Đông Tà và Bắc Cái đánh với Tây Độc theo kiểu chiết chiêu nên thất bại vì chiêu số của hắn ngược ngạo, chứ nếu đấu nội lực 1 vs 1 thì cả hai bên sẽ cùng kiệt sức cùng lúc thôi. Và nếu là đấu sinh tử thì Tây Độc cũng không cách nào giết nổi một trong hai người này nếu họ bỏ chạy.

=> Tây Độc có thể làm khó Đông Tà và Bắc Cái bởi yếu tố bất ngờ trong vài lần giao đấu đầu tiên, chứ ví như trong ba ngày sau (khi mà Đông Tà và Bắc Cái suy nghĩ thấu đáo về đối thủ) mà tái đấu thì họ cũng sẽ bất phân thắng bại mà thôi.

- Hoàng Thường thì xứng đáng ngồi mâm huyền thoại với công trình Cửu Âm Chân Kinh, còn Trương Tam Phong, Độc Cô Cầu Bại và Đấu Tửu Tăng thì sao ?

=>

+Trương Tam Phong 90 tuổi thì mị chỉ đánh giá ông ta ngang ngũ tuyệt mùa thứ ba thôi. Nhưng sau này ông ta sáng tạo ra đạo lý Thái Cực thì ông đã hơn hẳn những người trên rồi. Nhấn mạnh lại là mọi người đừng nhầm lẫn đạo lý Thái Cực với Thái Cực Quyền hay Thái Cực Kiếm. Thái Cực của Trương Tam Phong nó ở tầm đạo lý gồm rất nhiều triết lý như hậu phát chế nhân, nhu khắc cương, viên chuyển bất đoạn, dùng ý không dùng sức, lấy chậm thắng nhanh dung hợp lại ra một chân trời võ học mới… Từ đạo lý Thái Cực này mà có thể phát triển sở học bản thân như Cửu Âm Chân Kinh, hay tạo ra võ học mới và Thái Cực Kiếm với Thái Cực Quyền chỉ là hai môn võ công ông tạo ra dựa trên đạo lý ấy. Hai môn này không đại diện cho toàn bộ đạo lý Thái Cực được. Tiếc là người đời sau kém cỏi, chỉ biết dùng mỗi hai môn võ công Trương Tam Phong tạo ra theo đạo lý Thái Cực, mà không biết dùng đạo lý Thái Cực này tạo ra các võ công mới. Làm phần đông mọi người hiểu lầm trình độ cao nhất của Trương Tam Phong chính là hai môn quyền kiếm ấy. Chứ sự thật là trình độ võ học của Trương Tam Phong là cao bậc nhất trong số những người từng sáng tạo ra thần công với đạo lý võ học.

+Độc Cô Cầu Bại thì thoát ly khỏi võ công chiêu số rập khuông từ rất sớm, và đi tìm đến đỉnh cao võ học, đúc kết nó thành đạo lý, triết lý và cách thức. Ở đỉnh cao võ đạo không là Độc Cô Cầu Bại thì còn ai nữa ? Đây là nhân vật gây nhiều tranh cãi, nên mị chỉ nói ngắn gọn nhiêu đó thôi nhé. Theo mị thì Độc Cô Cầu Bại xếp vào hàng huyền thoại là hợp lý.

+Đấu Tửu Tăng tuy chưa biết trình độ võ công ra sao, nhưng bản thân ông đã tạo ra được môn nội công tâm pháp Cửu Dương Thần Công mạnh nhất toàn thể các tâm pháp nội công trong truyện Kim Dung thì võ công ông ta không thể tầm thường được. Nên biết rõ Dịch Cân Kinh không phải tâm pháp nội công, mà là cả một bộ “bảo điển”, nó không chỉ có riêng gì nội công tâm pháp, mà còn có cách cường thân kiện thể, thoát thoai hoán cốt, chữa trị các tổn hại liên quan đến nội công và cách điều quân dẫn khí. Một bộ “bảo điển” gồm nhiều thứ lại đi so với một cái tâm pháp chỉ hướng dẫn tu luyện nội công thì quá thiên lệch. Nếu gom tất cả mọi thứ trong bảo điển đấy ra so thì Dịch Cân Kinh sẽ đứng đầu, nhưng ở mảng nội công tâm pháp chỉ ở mặt luyện nội lực, nội công thì Cửu Dương Thần Công xứng đáng đứng hàng số một. Và đó chỉ mới là mặt luyện nội công của Đấu Tửu Tăng, còn đạo lý võ học nổi tiếng nhất và cũng là thứ khủng khiếp nhất ông từng tạo ra chính là đạo lý HẬU PHÁT CHẾ NHÂN (ra tay sau chế ngự người), là con đường mới trong võ học, sự lợi hại của nó thì khó mà nhận ra ngay lập tức bởi vì nó không phải võ công cụ thể, mà chỉ bổ trợ cho võ công khác. Từ những chương dầu Ỷ Thiên thì đạo lý này đã được lồng ghép vào các môn võ công của phái Võ Đang rồi. Nó không phải là “hậu phát tiên chí” (ra tay sau mà đòn đánh đến trước) mà Tiêu Phong dùng tại Tụ Hiền Trang, loại đạo lý chỉ cần nội lực cao hơn thì sẽ ra chiêu nhanh hơn đối thủ. Hấu Phát Chế Nhân là đạo lý thiên về tĩnh chế động, ra chiêu sau mà chế ngự địch, không phụ thuộc vào chiêu số quá nhiều. Bên cạnh đó thì Cửu Dương Chân Kinh của Đấu Tửu Tăng còn có nhiều cách thức khắc địch chế thắng khác như lấy tĩnh chế động, nhìn được sơ hở trong võ học đối thủ...v.v . Nếu so ra thì Đấu Tửu Tăng, Trương Tam Phong, Độc Cô Cầu Bại phải sánh với cả Hoàng Thường mới đúng trình, Vương Trùng Dương tuy kém họ một ít những những người này đều xứng đáng ngồi mâm huyền thoại cả.

Còn tiếp …

Nguồn: TIÊN HIỀN THƯ VIỆN


Thư hữu cần đăng nhập để bình luận!

Cố Trường Ca

thiên nguyên Cố Trường Ca

hay.

3 năm trước

Đại Hiền Triết

tráng thọ Đại Hiền Triết

Một ly liền là một ly, nhưng một tấc liền là Thiên cùng Địa.

4 năm trước

Đại Hiền Triết

uẩn thể Đại Hiền Triết

Có khi nếu lão không dính vụ Kim quốc thì đã đả phá hư không, tầm vũ tiêu dao cmnr, nhưng nếu thế thì lão cũng không còn là Vương Trùng Dương mà ta biết nữa.

4 năm trước

Táng Địa

thác cương Táng Địa

Đại khai nhãn giới...

4 năm trước


TIÊN HIỀN THƯ VIỆN

Tiên hiền thư viện tổng hợp review truyện, sưu tầm kinh điển trích lời, viết xuống tiêu điểm nhân vật, cầm tay chỉ đạo sáng tác, tóm tắt truyện chữ, đóng góp truyện ngôn tình, review truyện ngôn tình.

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO

LIÊN KẾT

google news tiktok